15.000 phụ nữ bị ung thư vú mỗi năm

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

15.000 phụ nữ bị ung thư vú mỗi năm

Theo Bộ Y tế, cứ 10 phụ nữ Việt thì một người có nguy cơ bị ung thư vú, tỷ lệ được xem là quá cao. Đa phần người bệnh đến viện khi đã muộn khiến hiệu quả điều trị thấp, khoảng 35% tử vong.
Theo Bộ Y tế, cứ 10 phụ nữ Việt thì một người có nguy cơ bị ung thư vú, mỗi năm có thêm 15.000 mắc bệnh này. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết, trong các loại ung thư thì ung thư vú là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, thường gặp thứ hai trên thế giới cũng như tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng về bệnh còn hạn chế. Phụ nữ trong lứa tuổi nguy cơ chưa biết tự khám vú và phát hiện sớm bệnh - đây là nền tảng kiểm soát ung thư vú, giúp cải thiện đáng kể kết quả điều trị. Y tế cơ sở cũng cần nhiều sự hỗ trợ trong vấn đề chuyên môn để phát hiện, điều trị bệnh.
Ung thư vú nếu phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi lên đến 85%. Vì thế, điều quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian sống là nâng cao nhận thức của cộng đồng để phòng chống và phát hiện bệnh sớm”, Thứ trưởng Xuyên nói.
Ngày 14/11, tại Hà Nội dự án phòng chống bệnh ung thư vú do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Vì ngày mai tươi sáng, Bộ Y tế tổ chức, chính thức được triển khai. Dự án sẽ kéo dài 3 năm tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ. Mục tiêu là sàng lọc và phát hiện sớm ung thư cho 100.000 phụ nữ. Bên cạnh việc tuyên truyền kiến thức cho cộng đồng, chương trình cũng sẽ huấn luyện chuyên môn cho các y bác sĩ về chẩn đoán và điều trị ung thư vú.
Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng bệnh chị em cần chú ý không để tăng cân thái quá, thể dục thể thao, sống lành mạnh, yêu đời. Phụ nữ cần có thói quen tự khám vú đều đặn mỗi tháng một lần, tốt nhất là sau kỳ kinh nguyệt. Trường hợp đã bị bệnh cần tuân thủ điều trị và cần tái khám đều đặn, năm đầu cứ 3 tháng một lần, năm thứ hai cách 6 tháng một lần, năm thứ ba trở đi tái khám hàng năm.
Những yếu tố nguy cơ gây bệnh là tiền sử gia đình có người bị ung thư vú, người trên 35 tuổi, kinh nguyệt sớm (dưới 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 50 tuổi), không có con hoặc sinh con đầu lòng sau 30 tuổi, có bệnh lành tính ở vú, có khẩu phần ăn nhiều mỡ động vật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét