Các xét nghiệm và chẩn đoán ung thư vú

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Các xét nghiệm và chẩn đoán ung thư vú

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh thường rất đa dạng, khi có các triệu chứng điển hình thì thường đã ở giai đoạn cuối của bệnh. Các triệu chứng đó bao gồm khối u ở vú (chiếm khoảng 90% trường hợp bệnh nhân ung thư vú), các biến đổi ở đầu núm vú bao gồm: chảy dịch đầu núm vú (gặp khoảng 20% số bệnh nhân ung thư vú); đầu núm vú co vẹo hoặc tụt sâu vào trong và hạch nách. Để chẩn đoán xác định được ung thư vú trong trường hợp khối u sờ thấy thường rất đơn giản, đó là việc sử dụng phương pháp sinh thiết khối u. Tuy nhiên, việc chẩn đoán khối u là ác tính thì đã ở vào giai đoạn muộn. Các ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng điều quan trọng nhất quyết định thành công của quá trình điều trị và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân là phát hiện ở giai đoạn sớm, khi mà bệnh còn chưa có những biểu hiện trên lâm sàng.

Ưu và nhược điểm của các xét nghiệm cận lâm sàng trong tầm soát ung thư vú:
Mục đích của tầm soát ung thư vú là chẩn đoán ung thư vú sớm trước khi nó biểu hiện rõ ràng trên lâm sàng dưới dạng một khối u sờ thấy hoặc đã có những biến đổi trên da.
1. Chụp nhũ ảnh (Mamography):
Đây là một kỹ thuật X quang đặc biệt dành riêng cho tuyến vú. Về bản chất, chụp nhũ ảnh cũng sử dụng tia X như các kỹ thuật X quang khác, tuy nhiên trong chụp nhũ ảnh chùm tia được dùng có cường độ thấp và bước sóng dài hơn. Nhũ ảnh trong tầm soát thường được chỉ định đối với những phụ nữ trên 40 tuổi và chụp định kỳ mỗi 1 - 2 năm một lần.Vì ở lứa tuổi này, nguy cơ ung thư tăng lên, đồng thời mô tuyến vú cũng thoái hóa dần. Mô tuyến giảm đi, thay vào đó là mô mỡ nên sẽ thuận lợi hơn cho việc chụp và đọc kết quả.
Ưu điểm: Nhũ ảnh có thể giúp phát hiện những khối u nhỏ ở vú, nó có thể thấy được những vi vôi hóa trong mô tuyến vú mà các kỹ thuật khác khó phát hiện được. Tia X dùng trong chụp nhũ ảnh hầu như không gây tác hại gì.
Nhược điểm: Nhũ ảnh cũng chỉ là một phần trong quá trình thăm khám tuyến vú. Nhũ ảnh không thể xác định được lành tính hay ác tính của một tổn thương, nó chỉ đưa ra những gợi ý cho quá trình chẩn đoán. Âm tính giả và dương tính giả là điều có thể xảy ra. Tỉ lệ này không cao và thường gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi vì lúc này mô tuyến vú dày đặc có thể che lấp tổn thương.
2. Siêu âm vú:
Siêu âm là kỹ thuật dùng sóng âm thanh có tần số cao đưa vào trong cơ thể rồi ghi nhận và phân tích sóng dội ngược về để tạo thành hình ảnh. Mục đích của phương pháp này là phát hiện những bất thường về hình thái tuyến vú. Nó giúp đánh giá bản chất của khối u sờ thấy hoặc thấy trên X quang vú, hướng dẫn can thiệp…
Ưu điểm: Đây là một phương pháp thăm khám tuyến vú an toàn, đơn giản, rẻ tiền, nhanh chóng và không đau do vậy có thể dùng cho mọi lứa tuổi và có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, không chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh nguyệt ngay cả trong thời gian mang thai và cho con bú.
Nhược điểm: Đối với vú mỡ nhiều, siêu âm ít mang lại lợi ích và dễ sai sót, không phát hiện được tổn thương có đồng âm với mô mỡ. Ngoài ra, khiếm khuyết quan trọng khác của siêu âm là không phát hiện được vi vôi hóa một cách đáng tin cậy và lệ thuộc nhiều vào trình độ của người làm.
3. Cộng hưởng từ tuyến vú (Breast - MRI).
Cộng hưởng từ tuyến vú là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được dùng để phát hiện ung thư vú và các bất thường khác ở tuyến vú. Đây là một kỹ thuật có chi phí cao nên ít được chỉ định trong tầm soát ung thư vú. Nó được sử dụng đối với những phụ nữ có mô vú dày đặc, những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao và những người có hình ảnh nghi ngờ trên phim chụp nhũ ảnh, siêu âm.
Ưu điểm: Đây là kỹ thuật không xâm lấn, không liên quan đến bức xạ tia X, MRI có thể phát hiện những tổn thương nhỏ mà các kỹ thuật khác (nhũ ảnh, siêu âm…) không phát hiện được. MRI đặc biệt tốt cho những bệnh nhân trẻ có mô vú dày đặc và những bệnh nhân có đặt túi ngực.
Nhược điểm: Cũng như các kỹ thuật khác, MRI có một số hạn chế như:
- Nguy cơ dương tính giả: Một kết quả dương tính giả có thể gây ra lo lắng không cần thiết cho bệnh nhân.
- Nguy cơ dị ứng khi sử dụng thuốc đối quang từ mặc dù tỉ lệ này rất thấp.
- Hạn chế đối với những bệnh nhân thuộc nhóm chống chỉ định đối với chụp cộng hưởng từ như mang các vật liệu kim loại, các vật liệu cấy ghép trong người.
4. Xét nghiệm máu
Nhiều quan điểm cho rằng xét nghiệm máu có thể phát hiện mọi ung thư dựa vào việc truy tìm các dấu ấn ung thư trong máu (Tumor marker). Hậu quả là khi thấy nồng độ một chất tăng cao thì bệnh nhân sẽ được tiếp tục thực hiện một loạt các xét nghiệm y tế khác để xác định xem có phải ung thư thật sự hay không. Điều này khiến cho bệnh nhân hoang mang lại gây tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Về lý thuyết, khi tế bào ung thư phát triển sẽ sinh ra một số chất vào trong máu. Do đó, khi nồng độ một chất nào đó tăng cao thì có thể bệnh nhân đã bị ung thư, ví dụ như xét nghiệm DR 70 tầm soát 13 loại ung thư. Khi DR 70 dương tính, bệnh nhân phải làm hàng loạt các xét nghiệm như X quang, siêu âm, xét nghiệm phân, nước tiểu, CT, PET – CT...để xác định cơ quan nào bị bệnh chưa kể đến trường hợp xét nghiệm DR 70 dương tính giả nghĩa là các bệnh lý khác không phải U cũng làm DR 70 tăng. Vì vậy, việc sử dụng xét nghiệm máu trong tầm soát ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng là không cần thiết. Nó sẽ có ích hơn trong việc theo dõi tiến triển của quá trình điều trị ung thư.
Qua đó chúng ta có thể thấy không có một kỹ thuật nào là hoàn hảo và có độ chính xác tuyệt đối.Vì vậy, việc lựa chọn kỹ thuật nào hay phối hợp giữa các kỹ thuật sao cho thu được kết quả tốt nhất là điều hết sức quan trọng. Nó vừa giúp tăng tính hiệu quả trong quá trình thăm khám vừa giảm sự tiêu tốn thời gian cũng như tiền bạc của bệnh nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét