Ung thư âm hộ được điều trị theo giai đoạn bệnh

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Ung thư âm hộ được điều trị theo giai đoạn bệnh

Việc điều trị cho bệnh ung thư âm hộ phụ thuộc vào loại và giai đoạn của bệnh ung thư, thể trạng và điều kiện thực tế của người bệnh. Trước khi sử dụng các liệu pháp điều trị, bác sĩ phụ khoa sẽ cho bạn làm xét nghiệm máu, thăm khám bên ngoài để phát hiện những vùng có các mô tế bào bất bình thường. Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị có thể là những biện pháp điều trị được lựa chọn. Các lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào loại ung thư cũng như vị trí và kích thước của khối u đó.
Giai đoạn 0 và các tổn thương tiền ung thư: Các tổn thương sớm này có thể điều trị bằng sinh thiết cắt bỏ tổn thương hoặc đốt bằng Laser CO2 hoặc kết hợp cả hai hoặc sử dụng các phương pháp loại bỏ khác. Đối với các tổn thương liên quan với nhiễm HPV có nguy cơ tái phát, cần theo dõi sát sau điều trị để phát hiện sớm tổn thương mới ngay khi còn nhỏ.
Giai đoạn IA
Đối với các trường hợp xâm lấn chỉ tại bề mặt (≤ 1 mm tính từ nơi tiếp giáp biểu mô-mô đệm ở chỗ nhú biểu bì sâu nhất cho tới nơi xâm lấn sâu nhất) về cơ bản thường không di căn hạch. Những tổn thương này có thể điều trị bằng cắt bỏ tại chỗ rộng rãi, đảm bảo diện cắt an toàn (không chỉ chiều rộng mà cả chiều sâu). Thông thường diện cắt cách bờ tổn thương 1 cm.
Giai đoạn IB và II
Đối với các tổn thương đường kính dưới 2 cm và chiều sâu xâm lấn không quá 5 mm có thể cắt rộng u với đảm bảo diện cắt an toàn cách bờ tổn thương ít nhất 1 cm. Đối với các trường hợp còn lại có thể phẫu thuật cắt bỏ âm hộ một bên hoặc cắt bỏ âm hộ triệt căn biến đổi tuỳ theo mức độ tổn thương, cố gắng đảm bảo diện cắt an toàn cách bờ tổn thương ít nhất 2 cm.
Khả năng di căn hạch bẹn cùng bên tăng lên cùng với kích thước u và độ sâu của xâm lấn. Vì vậy, vét hạch bẹn-đùi là phần không thể thiếu. Đầu tiên, lấy các hạch cùng bên tổn thương ở phía trên mạc sàng và cho đến nơi mở của mạc này tại lỗ oval (khe hiển). Không cần thiết phải bóc mạc đùi để lấy hạch đùi. Nếu kết quả sinh thiết tức thì hạch âm tính, không cần vét hạch đối bên. Nếu kết quả sinh thiết tức thì hạch dương tính, cần vét hạch đối bên. Đối với các trường hợp u nằm trên đường giữa (tổn thương cả hai bên), cần vét hạch bẹn-đùi hai bên.
Xạ trị tại chỗ sau phẫu thuật dành cho các trường hợp diện cắt cách bờ tổn thương dưới 8 mm, xâm lấn mao mạch bạch huyết, tổn thương xâm lấn trên 5 mm về chiều sâu và các bệnh nhân có hạch dương tính.
Đối với một số bệnh nhân không thể phẫu thuật triệt căn hoặc không thích hợp với phẫu thuật do điều kiện sức khoẻ không cho phép, có thể xạ trị đơn thuần.
Giai đoạn III
Ngoại trừ yếu tố tuổi tác, các bệnh kèm theo làm hạn chế khả năng phẫu thuật, cần phân chia các trường hợp ở giai đoạn III thành nhóm mổ được và không mổ được. Nếu khả năng cắt bỏ tổn thương nguyên phát với diện cắt không còn mô ung thư, không làm tổn hại các cơ thắt ảnh hưởng đến đại tiểu tiện, nên xem xét phẫu thuật.
Đối với các trường hợp khối u nguyên phát nhỏ (T1), có thể phẫu thuật cắt u rộng rãi (diện cắt cách bờ u ít nhất 2 cm) kết hợp vét hạch bẹn-đùi.
Đối với các trường hợp khối u lớn (T2), có thể phẫu thuật cắt bỏ âm hộ triệt căn kết hợp vét hạch bẹn-đùi. Các trường hợp khối u xâm lấn rộng (T3), có thể cân nhắc phẫu thuật rộng rãi với khả năng có thể nếu không có quá nhiều biến chứng và di chứng và là cách lựa chọn tốt nhất. Kèm theo cần vét hạch bẹn-đùi.
Đối với các trường hợp u nằm trên đường giữa (tổn thương cả hai bên), cần vét hạch bẹn-đùi hai bên.
Xạ trị tại chỗ sau phẫu thuật dành cho các trường hợp diện cắt cách bờ tổn thương dưới 8 mm, xâm lấn mao mạch bạch huyết, tổn thương xâm lấn trên 5 mm về chiều sâu và các bệnh nhân có hạch dương tính. Việc nêu ra điều kiện này chỉ mang tính chất giả thiết ở những trường hợp rất hiếm. Đa số UTAH giai đoạn III cần xạ trị Liều xạ từ 45-50 Gy. Các trường hợp có từ 2 hạch bẹn dương tính trở lên cần xạ trị cả hạch bẹn và khung chậu.
Đối với một số trường hợp xâm lấn rộng, phẫu thuật ảnh hưởng tới đại tiện hoặc tiểu tiện sau này hoặc hạch cố định khó có thể lấy bỏ được có thể được xem là các trường hợp không mổ được. Các trường hợp này nên xem xét khả năng xạ trị hoặc hoá xạ trị đồng thời trước mổ nhằm tăng khả năng mổ được và giảm mức độ tàn phá của phẫu thuật rộng. Liều xạ cần đạt là 55 Gy. Một số trường hợp đáp ứng hoàn toàn sau xạ trị hoặc hoá xạ trị có thể không cần phẫu thuật.
Đối với một số bệnh nhân không thể phẫu thuật triệt căn hoặc không thích hợp với phẫu thuật hoặc do vị trí bệnh hoặc bệnh lan rộng hoặc do điều kiện sức khoẻ không cho phép, có thể xạ trị đơn thuần hoặc hoá xạ trị đồng thời với liều xạ không quá 65 Gy.
Giai đoạn IV
Đối với các trường hợp T1,2,3N2M0, xử trí tương tự giai đoạn III. Các trường hợp này đều cần xạ trị (sau hoặc trước mổ hoặc xạ trị đơn thuần).
Đối với các trường hợp T4N0,1,2M0, xét khả năng phẫu thuật khoét chậu hông (pelvic exenteration) nếu đủ điều kiện. Nếu không thực hiện được phẫu thuật này, xạ trị hoặc hoá xạ trị đồng thời trước, sau đó xem xét khả năng phẫu thuật đơn giản hơn.
Đối với các trường hợp di căn xa, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị giảm nhẹ, có thể kết hợp điều trị hoá chất thăm dò nếu thể trạng bệnh nhân cho phép. Phẫu thuật và xạ trị đối với các trường hợp này cũng có ích giúp giải quyết một số triệu chứng.
Các trường hợp tái phát
Tuỳ thuộc vị trí và mức độ lan rộng của bệnh tái phát mà phương pháp điều trị khác nhau. Nếu tái phát tại chỗ đơn thuần có thể phẫu thuật triệt căn. Tuỳ mức độ lan rộng, thể trạng bệnh nhân, khả năng phẫu thuật mà có thể phẫu thuật cắt bỏ âm hộ triệt căn cho đến khoét chậu hông. Vét hạch bẹn tái phát chỉ nên thực hiện nếu đó là vị trí tái phát duy nhất và bệnh nhân chưa được xạ trị vào vùng này.
Sau phẫu thuật có thể xem xét xạ trị sau khi cân nhắc liều xạ trước đây. Một số nơi sử dụng hoá xạ trị đồng thời bổ trợ sau mổ cho các bệnh nhân tái phát. Đối với các trường hợp phát tại chỗ, tại vùng không thể phẫu thuật, có thể xạ trị hoặc hoá xạ trị đồng thời, sau đó xem xét khả năng phẫu thuật.
Các trường hợp di căn xa có thể điều trị giảm nhẹ (triệu chứng), có thể kết hợp với điều trị hoá chất thăm dò nếu thể trạng bệnh nhân cho phép.
Tiên lượng: Tình trạng di căn hạch bẹn là yếu tố tiên lượng quan trọng. Những bệnh nhân bệnh mổ được, chưa di căn hạch bẹn, tỷ lệ sống 5 năm tới 90%. Trái lại những bệnh nhân đã có di căn hạch bẹn, tỷ lệ sống 5 năm chỉ đạt 50-60%. Khi đã di căn tới hạch chậu, tỷ lệ sống chỉ còn 11%. Kích thước u cũng là yếu tố tiên lượng độc lập. Kích thước u càng lớn khả năng tái phát cao hơn, tiên lượng xấu hơn.
Theo dõi sau điều trị: Khám định kỳ 3 tháng/lần trong 2 năm đầu, 6 tháng/lần trong năm thứ ba, sau đó 1 năm/lần. Phát hiện tái phát sớm rất quan trọng bởi có thể điều trị triệt căn tiếp bằng phẫu thuật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét