Dưới đây là 6 điều quan trọng về ung thư vú chị em cần biết để phòng bệnh.
1. Gia đình tôi có tiền sử ung thư vú, vì vậy tôi sẽ mắc bệnh mà không thể làm gì để phòng tránh
Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Có tiền sử gia đình bị ung thư vú đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ bị bệnh cao hơn những chị em khác nhưng không có nghĩa là bạn không thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn nó. Điều bạn cần làm là đi khám và nói chuyện với bác sĩ về tiền sử bệnh của gia đình. Nhờ đó, các bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên tốt nhất trong việc chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh.
“Nếu các xét nghiệm di truyền cho thấy rằng bạn có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ có thể khuyên bạn nên làm các kiểm tra cần thiết và trong một số trường hợp nếu cần thiết sẽ phải phẫu thuật để giúp giảm nguy cơ”, Tiến sĩ Preeti Jain, tư vấn ung thư tại Bệnh viện Columbia Asia cho biết.
2. Tôi còn rất trẻ nên không phải lo đến bệnh ung thư vú
Tuổi tác không phải là một trong những yếu tố có tác dụng ngăn ngừa bệnh, kể cả bệnh ung thư vú. Theo Tiến sĩ Preeti “mặc dù các ca ung thư vú thường gặp ở người trung tuổi trở lên nhưng 25% phụ nữ bị ung thư vú là những người ở độ tuổi dưới 50. Biểu hiện khối u ở vú thường gặp ở phụ nữ trẻ có thể ít có khả năng ung thư nhưng nó vẫn là dấu hiệu cảnh báo chị em cần đi kiểm tra kịp thời”.
3. Phụ nữ ngực nhỏ ít bị rủi ro mắc bệnh ung thư vú
Không có mối liên hệ giữa kích thước của vú và nguy cơ mắc ung thư vú. “Ngực lớn có thể dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra hơn so với bộ ngực nhỏ, kể cả trong chụp nhũ ảnh vú và kiểm tra MRI. Nhưng tất cả phụ nữ đều có nguy cơ bị ung thư vú cho dù kích thước ngực như thế nào. Vì vậy, việc thường xuyên kiểm tra ngực là hết sức cần thiết”, Tiến sĩ Pranay Shah, bác sĩ phụ khoa và bác sĩ phẫu thuật nội soi, bệnh viện Bhatia (Ấn Độ) nói.
4. Chỉ có những phụ nữ có tiền sử gia đình bị ung thư vú mới có nguy cơ
Thống kê nói rằng khoảng 70% phụ nữ được chẩn đoán bị ung thư vú có tính di truyền. “Nếu trong gia đình bạn có một người (cha mẹ, anh chị em, hoặc con) bị ung thư vú thì bạn có nguy cơ bị bệnh cao gấp đôi so với người khác. Tuy nhiên, không có tiền sử gia đình bị bệnh không có nghĩa là bạn không có nguy cơ”, Tiến sĩ Pranay cho biết.
5. Tự kiểm tra ngực hàng tháng là cách phát hiện ung thư vú sớm nhất
Tự kiểm tra ngực hàng tháng có thể giúp bạn phát hiện những bất thường ở ngực, đặc biệt là các khối u quanh vùng ngực. Nhưng các khối u này có lành tính hay không, có phải là triệu chứng ung thư vú hay không thì bạn cần phải làm các hình thức kiểm tra khác bao gồm: chụp X-quang tuyến vú và các xét nghiệm cần thiết khác.
Phụ nữ độ tuổi từ 20-40 nên kiểm tra núi đôi 3 năm/lần. Phụ nữ từ 40 tuổi trở đi phải kiểm tra “núi đôi” mỗi năm 1 lần.
Phụ nữ từ 40 tuổi trở đi nên tiến hành chụp X- quang ngực 1 lần/năm. Đặc biệt nếu thấy nghi ngờ điều gì đó bất thường ở ngực hoặc trong gia đình có người mắc ung thư vú, hãy đi khám ngay. Ngay cả khi một số bệnh ung thư có thể không được phát hiện, nhưng X-quang vẫn là phương pháp tuyệt vời giúp chẩn đoán ung thư vú hiệu quả.
6. Các khối u là triệu chứng rõ nhất của ung thư vú
Các khối u xuất hiện quanh vùng ngực có thể là lành tính. Vì vậy, chỉ dựa vào triệu chứng này để kết luận ung thư vú thì chưa chính xác. Trong trường hợp bạn phát hiện các khối u ở ngực có biểu hiện như cứng, có cạnh không đều, dính vào các mô xung quanh thì có thể đó là triệu chứng ung thư vú. Ngoài ra, người bị ung thư vú còn có thể thấy một số thay đổi khác ở ngực như: thay đổi kích thước vú, da vú nhăn và sần hoặc đỏ, đau ở núm vú, đầu vú hoặc đau âm thầm trong vú, có thể tiết sữa hoặc dịch chảy ra…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét