Chẩn đoán sớm ung thư đại trực tràng

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Chẩn đoán sớm ung thư đại trực tràng

Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định được khoảng 40% các bệnh ung thư có thể phòng ngừa được. Một thông điệp nữa muốn chuyển đến những bệnh nhân ung thư là “ung thư chữa sớm dễ lành”. Vậy, làm thế nào để phát hiện và chẩn đoán ung thư đại trực tràng?
Tầm soát

Việc tầm soát (rà tìm, sàng lọc) nhằm phát hiện sớm bất kỳ bệnh lý ung thư nào khi nó chưa có những triệu chứng lâm sàng, hay khi còn ở thời kỳ tiền ung thư (chưa chuyển sang bệnh ung thư thực sự). Mục tiêu chính giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và đem lại nhiều cơ hội trị khỏi cho người bệnh. Thông thường, việc tầm soát sẽ tập trung trên một số loại bệnh có những đặc điểm như: loại bệnh ung thư có tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong đáng kể; những bệnh có tỷ lệ mắc bệnh toàn bộ ở trạng thái tiền lâm sàng, có thể phát hiện bệnh được qua việc tầm soát (thí dụ như những polyp đại - trực tràng có thời gian từ 10-15 năm để phát triển thành ung thư); những bệnh có khả năng điều trị hiệu quả và cải thiện đáng kể về kết quả sống còn… Cuối cùng, việc tầm soát phải dựa trên những phương tiện sẵn có, với độ nhạy và độ đặc hiệu cao, chi phí thấp và không gây ra những bất tiện hay biến chứng nguy cấp đến tính mạng người bệnh.
Theo những số liệu ghi nhận bệnh ung thư trên thế giới năm 2008, thì ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ ba. Riêng tại nước ta, đây là loại ung thư đứng hàng thứ tư ở cả hai giới. Tuy về suất độ thì ung thư đại trực tràng không giảm, nhưng tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này đã giảm liên tục từ thập niên 1980 đến nay. Giải thích cho lý do này là nhờ những tiến bộ của các phương tiện tầm soát, chẩn đoán, phát hiện sớm những polyp ở đại - trực tràng và được cắt bỏ trước khi chuyển thành ung thư. Cũng từ những phương tiện này mà các thầy thuốc cũng chẩn đoán được bệnh ở giai đoạn sớm hơn, góp phần điều trị khỏi bệnh; bên cạnh đó cũng phải kể đến những tiến bộ vượt bậc trong điều trị đã mang lại những kết quả vô cùng ngoạn mục, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh một cách rõ rệt.
Ai có nguy cơ cao?
Chiến lược tầm soát ung thư đại - trực tràng trong toàn thể cộng đồng dân cư không có tính khả thi. Việc tầm soát sẽ đặt trọng tâm cho nhóm người có nguy cơ cao như những người có tiền sử cá nhân bị ung thư đại - trực tràng, bướu polyp tuyến ống, viêm ruột mạn tính; những người có tiền sử gia đình bị bướu tuyến, ung thư đại - trực tràng, hội chứng ung thư đại trực tràng có tính di truyền….
Ngoài ra, béo phì và thuốc lá kết hợp cũng thuộc nhóm nguy cơ cao ung thư đại trực tràng. Các nhà nghiên cứu đưa ra các yếu tố để đánh giá nguy cơ ung thư đại - trực tràng như: tuổi, giới, chỉ số BMI (Body Mass Index), tiêu thụ rau tươi, thịt đỏ, uống rượu, tình trạng vận động cơ thể, có sử dụng vitamin và các yếu tố vi lượng… Những người 50 tuổi trở lên dễ mắc ung thư đại - trực tràng, đặc biệt khi có những thay đổi thói quen của đường ruột đi kèm, như rối loạn tiêu hóa, tiêu ra máu, tiêu phân đen.., cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tầm soát.
Các phương tiện tầm soát ung thư đại trực tràng thường được bắt đầu bằng những phương tiện giản đơn, ít xâm lấn đến các phương pháp chuyên sâu hơn. Các phương tiện như tìm máu ẩn trong phân, nội soi đại tràng “sigma”, soi toàn bộ đại tràng, chụp đại tràng đối quan kép, đã và đang được áp dụng với chi phí vừa phải nhưng đạt được hiệu quả cao. Việc xét nghiệm mẫu phân cho thấy có cải thiện được tiên lượng bệnh nhờ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và có thể điều trị khỏi. Xét nghiệm nội soi và chụp X-quang đại tràng cho thấy rõ vị trí tổn thương hoặc những polyp và được cắt bỏ qua nội soi trước khi chúng chuyển thành ung thư thực thụ. Hiện nay, những phương pháp mới như xét nghiệm DNA phân, nội soi ảo khung đại tràng nhờ phần mềm xử lý để tái tạo lại toàn bộ hình ảnh của lòng đại tràng dựa trên các lát cắt qua chụp cắt lớp, hay nội soi khung đại tràng bằng viên camera (capsule endoscopy) cũng đã được thực hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét